Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

SỐT GIA SƯ Ở ANH: BẮT TRẺ HỌC CHỮ TỪ 2 TUỔI




GIÁO DỤC. - Mặc tã “chạy đua” vào trường tốt. Trong khi phần lớn những bé trai khác nghĩ đến chiếc xe tăng và đang học cách lái chiếc xe ba bánh, thì cậu bé Charlie Phillips mới chập chững biết đi đã phải học kèm một thầy một trò để biết đọc và viết, với học phí 30 bảng Anh/giờ (750.000 đồng VN).

Mẹ của cậu, bà Yasmin, nêu lý do rằng một đứa con khác của bà, bé Serena 4 tuổi, từng bị thua thiệt trong các cuộc thi vào trường vì bạn học của bé được đi học kèm trước. Bà không muốn lặp lại sai lầm với cậu con trai. Bà Phillips, 34 tuổi, vốn là một luật sư trước khi lập gia đình ở Chelsea, phía tây nam London, tốt nghiệp Đại học Oxford, cùng chồng, ông Henry, cũng 34 tuổi, đã học ở trường Đại học Cambridge, chủ ngân hàng, cũng đã rước thầy về nhà dạy cô con gái Serena. Bà cho biết bà muốn con gái mình sớm học vì tháng giêng tới cô bé sẽ có một cuộc phỏng vấn vào trường và bà cần Serena tự tin hơn. Với bà, những lời chỉ trích không thành vấn đề vì nếu bà đã trả được học phí các lớp múa balê cho con gái thì tại sao phản đối việc trả tiền thuê gia sư.

Tuy nhiên, trong số những người bất đồng quan điểm với bà Phillips, có bạn của bà là Charlotte Wilson, 31 tuổi. Bà Wilson cũng có chồng là chủ ngân hàng, có con học trường tư thục. Bà cho biết, các cô con gái của bà, Poppy (4 tuổi) và Skye (2 tuổi), đã chịu nhiều áp lực trong môn tập đọc và tập viết trong khi lẽ ra ở tuổi của chúng phải được chơi đùa và vẽ.
Những đứa trẻ ở nước Anh mới lên hai, vừa chập chững biết đi, đã phải đối mặt với một cuộc chạy đua rất khốc liệt để giành chỗ vào những ngôi trường tốt nhất. Nhiều bậc phụ huynh đã đẩy con mình vào tay những gia sư, trước khi đứa trẻ rời bỏ tã lót. Theo báo Sunday Telegraph, các bậc phụ huynh cho rằng những đứa con thông minh của họ đã sẵn sàng học hỏi trước khi chúng đến tuổi đi học. Theo giáo sư Edward Melhuish, một nhà tâm lý học trẻ em, bất kỳ hình thức “giáo dục chính quy” nào cũng chỉ dành cho trẻ từ bốn tuổi trở lên còn đối với những trẻ dưới độ tuổi này thì hoàn toàn không thích hợp. Ông đề cập đến một mối nguy hiểm thật sự khi trẻ chịu nhiều áp lực. Theo ông, nhiều trẻ có khả năng biết đọc ngay từ bé, nhưng phần lớn chúng chưa có năng lực trí tuệ để làm hơn việc đó. Vì vậy gây áp lực đối với trẻ là không thích hợp.

AN QUÝ







Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

NHÓM BẠN TRẺ VÀ LỚP HỌC GIA SƯ CAO CẤP


Từ nhu cầu tìm lớp học tốt trong dịp trước thi tuyển sinh ĐH-CĐ của học sinh và phụ huynh, nhóm bạn trẻ gồm những sinh viên gồm thủ khoa đầu vào các trường ĐH, giải Nhất các kỳ thi trong nước và quốc tế đã thành lập lớp học gia sư cao cấp với hình thức khá lạ.
 
Những lò luyện đông nghẹt như thế này đang dần vắng bóng. Tự ôn luyện ở nhà hay tìm đến hình thức mới đang là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh và học sinh. (Ảnh: VietNamNet) 

Lớp học “ba chung”
Ăn chung, ở chung, học chung là hình thức dạy học của nhóm bạn trẻ gồm: Lê Minh Thông (thủ khoa đầu vào kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, ĐH Ngoại thương), Hà Khương Duy, Nguyễn Hoàng Hải (lần lượt là HCV, HCB Olympic Toán quốc tế 2009) cùng trưởng nhóm Đinh Quang Cường, (26,5đ kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009) đứng ra tổ chức.
Học sinh khi tham gia lớp học sẽ được ăn ở cùng với các “thầy giáo”, bất cứ khi nào có thắc mắc cần hỏi sẽ được tận tình hướng dẫn. Không chỉ thế, đầu giờ sáng hay mỗi buổi chiều mọi người lại cùng nhau tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Đào Xuân Thùy - 1 trong 4 bạn đầu tiên “ra lò” của khóa học, hiện đang là sinh viên ĐH Bách Khoa HN - tâm sự: “Lúc đầu bố mẹ cũng lo ngại vì mô hình này khá lạ. Trước em có học gia sư nhưng “gia sư cao cấp” thì mới nghe lần đầu.
Học ở đây thứ nhất em được các anh truyền đạt kinh nghiệm đi thi, nhiều điều khá thích thú. Thứ hai bọn em luôn các anh động viên, tiếp sức nhiều trong kì thi. Những buổi anh em nấu cơm, cùng nhau đi thể dục được nói chuyện với các anh cũng rất vui.
Ban đầu em nghĩ các anh thủ khoa, mình học kém thấy xa cách. Nhưng học 1 tháng thì không còn khoảng cách nữa, mọi người coi như anh em một nhà vậy”.
Phụ huynh: từ lo lắng đến yên tâm
Tổng cộng chi phí thuê nhà ở, ăn uống, học “thầy” của mỗi em trong vòng 1 tháng là 6 triệu đồng. Chi phí đã được nhóm tính toán chi tiết sao cho thích hợp nhất với các gia đình.
 “Đơn giản bởi bọn em đã từng ăn học, đi thi nên biết nỗi khổ của các gia đình. Nhóm cam kết nếu các em đỗ mới thu toàn bộ” – Đinh Quang Cường, trưởng nhóm cho hay. 4 bạn đầu tiên học tại lớp thì 2 bạn đã đỗ ĐH, 2 bạn đang học CĐ.
Chú Đào Thanh Long, bố của Thùy tâm sự: “Lúc đầu mình cũng lo, nhưng khi nói chuyện với Thông, Cường thấy phong thái của các cháu rất tin tưởng. Trước mình cũng cho cháu đi ôn thi ở “lò” luyện thi trên đường Nguyễn Trãi nhưng không hiệu quả. Thấy
Thùy cũng thích nên mình quyết định “đầu tư” cho cháu năm nữa”.
Mức phí 6 triệu đồng cho cả khóa học, theo chú Long: “Nguyên tiền ăn ở thuê trọ của các cháu cũng hết nửa rồi. 6 triệu thấy thì lớn nhưng thực ra cũng bình thường. Vợ chồng công nhân như các chú vẫn lo được. Còn với nhà có điều kiện hơn một chút chắc không quá khó khăn”. 
Hiện giờ “bố, con” chú vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau. Nhớ lại kỉ niệm ngày ấy, Cường không sao quên được buổi mình qua huyện Đông Anh, Hà Nội đón các em vào lớp học ở trung tâm thủ đô. 
“Trước đó em đã phải cất công thuê người nấu ăn, thuê nhà trọ, gọi điện mời các bạn tới gia sư cùng,.. xong hết rồi. Vậy nhưng trên đường sang đón thì phụ huynh các em gọi điện nói cô chú vẫn lo lắm. 'Thôi Cường không phải sang nữa đâu, để các cháu học bên này cũng được'.
Em như rụng rời chân tay mắt ướt nhòe. Nhưng vì đã hứa với các bạn, đã bỏ tiền ra lo bao nhiêu việc nên em vẫn sang. Vừa cố gắng thuyết phục lại thêm được sự ủng hộ của các em thí sinh (trước đó bọn em cũng có kèm các em vài buổi) nên cuối cùng họ cũng gật đầu đồng ý để em được các bạn đi. 
Thế là vui sướng, mắt em lại rơm rớm. Thông nghe được tin thì chỉ nói “sao thay đổi xoành xoạch”. Rồi mấy thằng động viên nhau phải thật cố gắng”.
Sẽ tiếp tục với quy mô lớn hơn 
Vì đều đã bảo lưu kết quả, học tiếng Anh chờ kết quả đăng kí đi học ở Mỹ theo chương trình của Nhà nước nên Thông, Hải, Duy có nhiều thời gian dành để ôn luyện cho các em.
Với thành công ban đầu, Đinh Quang Cường dự định trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới, nhóm sẽ họp nhau để tiếp tục mô hình của mình ở quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.
“Em sẽ mời thêm các bạn thủ khoa năm ngoái như Tăng Văn Bình, thủ khoa 30/30 ĐH Ngoại thương và các bạn khác cùng tham gia với nhóm. Sẽ có nhà nấu ăn, phòng riêng để tiếp đón phụ huynh, giới thiệu mô hình để gia đình yên tâm “giao con” cho chúng em”.
Tâm sự về khoản tiền khi thu được, Thông cho biết: “Năm trước, sau khi kết thúc khóa học nhóm đã tổ chức chuyến đi xuyên miền Bắc. Năm nay nếu thành công bọn em dự định sẽ làm chuyến du lịch xuyên Việt như một kỉ niệm đẹp trước khi sang Mỹ học tập”.
Văn Chung
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chuyen-giang-duong/16234/nhom-ban-tre-va-lop-hoc-gia-su-cao-cap.html






Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

ĐỔI TIẾNG ANH LẤY CHỖ Ở


Khi Ammon Cunningham, 22 tuổi và vợ anh là Marissa tới từ thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ quyết định tới Thượng Hải du lịch vào giữa tháng 6 vừa qua thì vấn đề chỗ ở là điều cuối cùng làm họ băn khoăn. Đôi vợ chồng trẻ này đã được sắp xếp để sống miễn phí trong một căn hộ rộng 140 mét vuông ở khu Putuo. Đổi lại, họ phải trò chuyện với chủ nhà là anh Wu Siwei cùng mẹ anh – bà Jin Yujun, bằng tiếng Anh mỗi ngày.
Việc này được sắp xếp bởi một tổ chức phi chính phủ thuộc Trung Quốc có tên là Tourboarding.
Khách du lịch sẽ được ở miễn phí ở các gia đình người Trung Quốc, đổi lại họ phải gia sư tiếng Anh cho chủ nhà.
Các vị khách được yêu cầu nói tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày để giúp người Trung Quốc có cơ hội được học tiếng Anh từ chính người bản địa mà không mất tiền.
Nếu phải đi học ở các trung tâm ngoại ngữ, số tiền mà họ phải trả là khoảng 200 – 350 nhân dân tệ mỗi giờ, thậm chí lên đến hơn 1.000 nhân dân tệ mỗi giờ.
Wu Siwei (phải), Ammon Cunningham và vợ anh – Marissa đang chơi bài. Cặp vợ chồng trẻ này đã ở nhà Wu 15 ngày, đổi lại họ sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày với chủ nhà.
“Tôi nghĩ rằng việc tiếp cận gần gũi với văn hóa của người bản địa như thế này là rất tuyệt.” – Ammon nói. “Chúng tôi không chỉ muốn đi thăm quan các điểm du lịch mà còn muốn nhìn thấy cách mà người Trung Quốc sống, xem phong tục tập quán của họ như thế nào và chương trình tivi yêu thích của họ là gì.”
Mặc dù công ty của Ammon ở Mỹ có thể chi trả toàn bộ chi phí ăn ở cho anh bởi vì một trong những mục đích của chuyến đi dài 15 ngày của anh là mở rộng kinh doanh với một công ty ở Thượng Hải, song anh vẫn chọn sống trong một gia đình Thượng Hải hơn là ở những khách sạn sang trọng.
Anh đã tình cờ gặp website Tourboarding trong khi tìm kiếm thông tin về văn hóa Trung Quốc và những gì có thể làm ở đất nước này.
“Tôi đã nghĩ rằng, sẽ rất vui nếu được sống trong một gia đình người Trung Quốc, vì thế tôi đã liên lạc với mẹ của Wu.”
Wu – một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, người hào hứng nhất khi nghe tin sẽ có 2 người nước ngoài có thể nói tiếng Anh sống trong nhà mình. Cậu hiện đang chuẩn bị cho kì thi TOEFL để đi du học ở Mỹ trong tương lai.
“Không giống như cách dạy ở trường, những cuộc trò chuyện mà tôi đã nói cùng Ammon và Marissa giống như những cuộc hội thoại hàng ngày giữa những người bạn.” – Wu cho biết.
“Để có nhiều thời gian nói chuyện cùng họ, tôi đã đưa họ đi một số nơi ở Thượng Hải và đồng nghĩa với việc thời gian nói tiếng Anh của tôi là nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày.”
Ammon cho biết họ nói về nhiều chủ đề khác nhau. “Tôi cho rằng điều đó thực sự tốt khi mà ở Trung Quốc, sinh viên thường phải ghi nhớ mọi thứ.”
‘Cú sốc’ văn hóa
Marissa chia sẻ rằng sự bất ngờ lớn nhất về văn hóa Trung Quốc là việc thiếu không gian riêng tư. “Ở đây, người Trung Quốc thường ở cạnh nhau; còn ở Mỹ, mọi người đều cố gắng ở xa nhau nhất có thể.”
Tuy nhiên, cặp đôi này vẫn được dành riêng cho một phòng ngủ và phòng tắm trong nhà Wu.
Cặp vợ chồng trẻ này thường ăn sáng và ăn tối ‘ở nhà’, nói chuyện với gia đình người Trung Quốc bằng tiếng Anh, còn ban ngày hoặc là đi du lịch hoặc là làm việc.
“Thậm chí, chúng tôi còn được làm bánh bao cùng Wu và mẹ anh một lần.” Ammon đã học cách làm bánh bao lần đầu tiên từ bố anh – người đã sống ở Đài Loan một thời gian ngắn và rất giỏi trong việc nấu món ăn Trung Quốc.
“Chúng tôi rất vui vì cách đối xử của họ và đang suy nghĩ về việc sẽ chuẩn bị cho họ một bữa sáng phong cách Mỹ trước khi chúng tôi trở về.”
Thời gian mà cặp đôi người Mỹ và chủ nhà người Trung Quốc tiếp xúc với nhau nhiều nhất là sau bữa tối, hoặc là họ sẽ xem chương trình tivi yêu thích hoặc là sẽ chơi bài hay cờ tướng.
Wu cho biết mẹ anh rất thích thử những cái mới và khả năng tiếng Anh của bà khá đến mức bà có thể giao tiếp với những vị khách của mình mà không gặp bất kì khó khăn nào.
Song bà Jin có lo lắng gì về sự an toàn của gia đình khi cho 2 người khách lạ sống trong nhà không?
“Thượng Hải là thành phố của chúng tôi. Nếu có chuyện gì đó thì họ mới là những người phải lo lắng hơn chúng tôi.” – bà Jin nói. “Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới điều đó. Hai bạn trẻ này rất tử tế và thân thiện.”
Ý tưởng về ‘thành phố cho người nước ngoài’
Tourboarding là ý tưởng của vị khách ba lô Ken Chen, 38 tuổi. Chen đã nghỉ việc ở công ty Nike, Trung Quốc để cùng Nuno Zhang, 28 tuổi – một nhân viên cũ của Google cùng một vài người bạn nước ngoài của mình để thành lập ra Tourboarding vào tháng 4.
Điều tra của họ cho thấy, khoảng 130 triệu người Trung Quốc ở độ tuổi 18-40 – những gia đình mục tiêu của họ - rất hào hứng với văn hóa nước ngoài và mong muốn được học tiếng Anh. Khoảng 47% tỏ ra quan tâm tới ý tưởng của Tourboarding và 21% sẵn lòng thử nghiệm ý tưởng này.
“Trong 2 tháng trước, có hơn 10.000 người dùng đăng kí vào website của chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi được biết đến ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Việc quảng bá ra nước ngoài của chúng tôi hiện đang lan rộng từ các nước nói tiếng Anh đến châu Âu và Nhật Bản.”
Theo Chen, hầu hết các gia đình quan tâm đến chương trình này đều là các gia đình có trẻ em. “Tuy nhiên, họ cũng phải có những căn hộ đủ lớn. Thậm chí một vài nhân viên văn phòng trẻ tuổi cũng quan tâm tới Tourboarding, cho dù họ vẫn còn đi thuê nhà và không được phép đưa người lạ vào nhà.”
Được khuyến khích bởi sự quan tâm dành cho Tourboarding, Chen cũng nghĩ đến việc sẽ xây dựng một ‘thành phố dành cho người nước ngoài’.
“Tại sao chúng ta không đưa môi trường nói tiếng Anh tới Trung Quốc?” – anh tự hỏi.
“Chúng ta có thể xây dựng một thành phố mini với các du khách ba lô – những người có thể được khuyến khích sinh sống ở đây giống như ở quê hương họ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ duy nhất được nói ở đây.”
“Người Trung Quốc có thể tới thăm thành phố này và nhanh chóng nâng cao được kĩ năng nói tiếng Anh của mình.” – anh chia sẻ.
  • Nguyễn Thảo (Theo China Daily)
Theo vietnamnet.vn




Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

'KHỦNG BỐ' CÔ GIÁO BẰNG... TÌNH YÊU


TP - Là sinh viên năm thứ hai đại học, Mai nhận lời làm gia sư tiếng anh cho một cậu học sinh cuối cấp THPT. Học trò của Mai là Chinh- cậu bé thông minh, nghịch ngợm...

Tình yêu học trò rất cần được tư vấn, định hướng để tránh bị chệch hướng gây hậu quả đáng tiếc.  (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài).
Chính vì thế, cô giáo trẻ luôn phải cố gắng tìm cách thu hút sự chú ý của cậu trò nhỏ. Mai muốn thực hiện lời hứa với chủ nhà, giúp cậu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm ngoại ngữ không tồi.
Dù cố gắng, song cậu bé vẫn mải chơi và lơ là khi Mai giảng bài. Khuyên giải mãi không được, trong một buổi học, cô gia sư nổi giận mắng Chinh không thương tiếc. Không ngờ lần đó lại phát huy tác dụng. Những buổi học sau, Mai thấy học trò của mình đột ngột học chăm và tiến bộ hẳn lên.
Nhưng cũng từ đó, Mai cảm nhận được những ánh nhìn khác lạ từ cậu học trò này. Ngoài giờ học, cậu bé thường hỏi dò chuyện yêu đương của cô giáo.
Khoảng cách hai tuổi ít ỏi và thái độ của học trò khiến Mai lo lắng pha chút khó xử khi giảng bài. Và rồi, một ngày, đúng như sự nghi ngờ của Mai, cậu học trò tinh nghịch này viết thư gửi gia sư với những lời đầy ắp tình cảm....
Mai nghiêm khắc nhưng khá tinh tế cảnh cáo cậu trò nhỏ, nhưng mỗi buổi học, Chinh vẫn nhìn cô giáo với ánh mắt đầy tình cảm ấy. Điều kỳ lạ nữa là Chinh tiến bộ rất nhanh trong học tập khiến Mai cũng ngỡ ngàng. 
Bên cạnh việc học tập “tiến bộ” thì tình cảm học trò Chinh dành cho Mai… cũng tiến bộ không kém. Hầu như ngày nào Mai cũng nhận được từ Chinh, lúc là thư, lúc là bưu thiếp, cô đều giả bộ bỏ lại thư và bưu thiếp lại nhà, nhưng đến hôm sau cậu trò nhỏ lại gửi cho bằng được.
Đã đôi lần, Mai định nghỉ dạy, song nghĩ đến sự phấn khởi của bố mẹ Chinh và kỳ thi tốt nghiệp sắp đến gần, cô lại tiếp tục.
Và rồi, một buổi học, Chinh tiếp tục gửi thư, lời lẽ tha thiết như “khủng bố”. Mai mếu máo khi đọc những dòng chữ yêu thương trẻ con của học trò: “Nếu cô không yêu em, em sẽ không học nữa. Thi tốt nghiệp đến đâu thì đến”.
Ngay ngày hôm sau, cô quyết định đến dạy buổi cuối cùng. Nghe tin cô giáo nghỉ, cậu bé lầm lỳ không nói một lời. Mẹ Chinh tha thiết giữ, nhưng cô từ chối với lý do kỳ thi chuyển khoa sắp đến gần.
Một buổi tối lang thang cùng đám bạn, Mai bắt gặp Chinh trong một cuộc nhậu, say sưa chơi trò đỏ đen với một nhóm người. Bối rối và bất ngờ, cô đưa học trò về nhà và tâm sự tất cả với mẹ Chinh.
Sau ngày hôm ấy, Mai tiếp tục vai trò cô giáo trẻ của mình, im lặng không trả lời tình cảm của Chinh, chỉ luôn miệng nhắc nhở em học tốt.
Mai đang chờ đến một ngày, khi cậu bé cầm trên tay tấm giấy báo đỗ đại học, cô sẽ nhận em làm cậu em trai ngốc nghếch của mình… và mong em hiểu.
Phương Ly (ĐHKHXH&NV)




Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định