Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

NGÀY CÀNG NHIỀU HỌC SINH MỸ THUÊ GIA SƯ ẤN ĐỘ


Mỗi sáng vài giờ, sáu ngày một tuần, Saswati Patnaik lại mở chiếc máy tính tại nhà lên để làm công việc gia sư cho học sinh nước ngoài.
Học sinh Mỹ giờ đây có thêm lựa chọn học hành nữa bằng việc thuê gia sư quan mạng tại Ấn Độ (Ảnh: Global Post)
Học sinh Mỹ giờ đây có thêm lựa chọn học hành nữa bằng việc thuê gia sư qua mạng tại Ấn Độ. (Ảnh: Global Post)
"Vị" gia sư này - làm cho một công ty ở Bangalore mang tên TutorVista - thức dậy từ buổi sớm để giúp các học sinh trung học Mỹ chuẩn bị cho các bài thi môn tiếng Anh hay hoàn thành các bài tập về nhà.
Thuê làm bên ngoài, dĩ nhiên, ban đầu là biện pháp để các công ty Mỹ cắt giảm chi phí bằng cách chuyển phần việc tới những nơi ít tốn kém hơn. Sau gần hai thập kỷ, việc làm này đã trở thành điều phổ biến ở hàng trăm doanh nghiệp Mỹ, từ các ngân hàng phố Wall cho tới các công ty luật, kiến trúc sư, hay nhiều người khác - đã quen với việc thuê làm ở Ấn Độ.
Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều cá nhân Mỹ "bắt chước" các doanh nghiệp này - và... thuê làm bài tập về nhà.
Khách hàng Mỹ của TutorVista chỉ phải trả 99 USD/tháng để được gia sư không hạn chế các môn tiếng Anh, toán, khoa học từ Patnaik hay một trong số 1.500 các gia sư đồng nghiệp của cô ở đây. Những dịch vụ như thế này ở Mỹ có giá tới 40 USD/giờ.
Krishnan Ganesh, CEO và người sáng lập TutorVista nói rằng, "suy thoái kinh tế đã đẩy giáo dục lên đỉnh trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của các gia đình có thu nhập trung bình. Ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy rằng giáo dục là cái phao an toàn duy nhất của họ, thứ duy nhất có thể giúp họ cạnh tranh được ở thế giới này".
Khách hàng chính của công ty này chủ yếu từ Mỹ, nhưng cũng có những người Canada, Hàn Quốc, Anh, và Australia đăng ký các lớp học.
Nhu cầu có vẻ vẫn sẽ còn tăng cao và TutorVista dự kiến sẽ tuyển thêm 1.500 giáo viên nữa trên khắp Ấn Độ vào những tuần tới.
Giờ đây, thuê bên ngoài làm bài tập không còn là điều lạ lẫm nữa. Một số công ty Ấn Độ cung cấp dịch vụ này, hoạt động như một trung tâm giải đáp thắc mắc.
Cụ thể, vào buổi sáng đó, Patnaik đang làm việc với các học sinh ở Atlanta và New Jersey. Cô đăng nhập vào trang web nơi mình làm việc, sử dụng webchat để chào học sinh. "Xin chào Brittney", cô nói. Học sinh của cô lập tức trả lời, rồi cô hỏi tiếp những câu hỏi xã giao trước khi đi vào vấn đề. "Em sao rồi? Tôi có thể giúp gì được cho em hôm nay?"
Em học sinh lớp 9 này đang gặp phải khó khăn với tác phẩm của Stephen Crane "Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm". Hai người đã thảo luận tiểu thuyết này và các nhân vật trong đó. Patnaik hướng dẫn Brittney một số chương và đặt cho cô bé mấy câu hỏi. Cô viết ra các chủ đề của tiểu thuyết trong một cái bảng điện từ và họ thảo luận.
Gia sư cho học sinh nước ngoài ở Ấn Độ là những sinh viên mới ra trường đang tìm kiếm việc làm trong thị trường việc làm ế ẩm trong nước, những bà mẹ ở nhà, những phụ nữ có con nhỏ, những giáo sư đã về hưu và thậm chí cả những người bệnh đang được điều trị tại nhà.
Saswati Patnaik, nói rằng cô chọn công việc này bởi cô phải ở nhà vì lý do sức khỏe.
Tại các thị trấn nhỏ ở Ấn Độ như Kasargod ở miền nam và Faridkot ở miền bắc, nơi không có nhiều việc làm lắm, thì những công việc thuê làm bên ngoài đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng nữa đối với họ. Mỗi giáo viên có thể kiếm được khoảng 10.000 rupi (hơn 200 USD) hoặc gấp đôi mỗi tháng, tùy theo số giờ và lớp mà họ dạy.
Trung bình mỗi ngày, gia sư của công ty này phục vụ khoảng 3.500 học sinh.
Những gia sư như Patnaik nói rằng một số học sinh rất giỏi, nhưng nhiều em lại thiếu tập trung. Patnaik, người đã làm gia sư hơn 2 năm nói: Trẻ em Mỹ không phải chịu áp lực học hành như trẻ em Ấn Độ cả ở nhà trường và ở nhà".
Nhưng không phải là hoạt động gia sư này không phải không gặp phải trở ngại nào. Những giáo viên lớn tuổi đôi khi cũng bị sốc văn hóa khi các em nhỏ họ dạy gọi họ theo tên đệm, hay công khai phê bình họ. Ở Ấn Độ, giáo viên thường hiếm khi sai, luôn được kính trọng và được gọi bằng "ngài" hay "thầy".
Cũng còn những vấn đề khác như cần phải điểu chỉnh hệ thống giáo dục theo kiểu truyền thống của Ấn Độ sang dạng cởi mở và tương tác hơn để phù hợp với người Mỹ.
Bên cạnh đó là sự phản đối từ một số người Mỹ (chủ yếu là giáo viên) do những quan ngại về chất lượng giáo dục cũng như việc thiếu tiêu chuẩn thống nhất.
Tuy nhiên, đây sẽ vẫn là một ý tưởng mới mẻ cho các nền giáo dục trọng học hành ở phương Đông có thể học tập. Việc làm này này vừa tạo việc làm, vừa qua đó tuyên truyền những giá trị văn hóa cho phương Tây, để cho thế giới sẽ không còn quá nhiều khác biệt về nhiều vấn đề khác nữa.
  • Đình Ngân (Theo Global Post)



Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét