Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

TÔI LÀM GIA SƯ




Gia sư được xem là nghề của nhiều sinh viên; nghề của nhiều ông cử, bà cử đang chờ tìm việc làm. Gia sư cũng được phụ huynh và học sinh gọi là thầy; nhưng trên thực tế, làm gia sư không đơn giản như mọi người vẫn tưởng. Người làm gia sư phải chịu trách nhiệm liên đới đến kết quả học tập của học sinh cùng với những lời trách móc của phụ huynh…

Chuyện: Làm gia sư
Tôi là sinh viên mới ra trường đang chờ tìm việc. Qua một người quen, tôi được giới thiệu dạy kèm cho một học trò ở khóm Máy Nước - phường Phước Tân (Nha Trang) đang bắt đầu vào lớp 4. Trong ngày đầu làm quen, phụ huynh yêu cầu tôi kèm tất cả các môn học, trong đó có kiểm tra bài cũ. Lịch học tuần 3 buổi, từ 19 giờ đến 21 giờ, thù lao 350.000 đồng/tháng. Qua làm quen, tôi biết được học trò mà mình sắp “lên lớp” tên T. Em là học sinh khá liên tục trong các năm qua nhưng rất ham chơi nên mới bước vào năm học lớp 4 đã không theo kịp bạn bè…

Đã làm quen từ trước nhưng khi bước vào buổi học đầu tiên, T. cứ lầm lì nhìn tôi như nhìn người hành tinh khác. Biết T. chưa tập trung cho buổi học, tôi lại phải dành thêm một khoảng thời gian trao đổi mới biết em thấy chuyện học kèm như thế này là chuyện lạ: “Hồi nào đến giờ, em chỉ học thêm ở nhà cô giáo chứ đâu có học như vầy. Bây giờ, ba mẹ lại bắt em học kèm ở nhà. Kỳ lạ quá!”. Rồi mọi chuyện cũng bắt đầu quen dần, tôi đã giúp em ổn định những kiến thức cơ bản nhất phù hợp với chương trình học để “chạy” theo chúng bạn.

Liên tục gần 2 tháng học kèm, bài học và bài tập của em đều chuẩn bị rất chu đáo. Nhưng rồi cái bản tính ham chơi của em lại trỗi dậy. Những bài tập được gia sư giao làm thêm cho nhuần nhuyễn em lại không làm. Liên tục nhiều buổi học, cứ mỗi lần tôi lọt tọt đạp xe đến thì mới thấy em vội vội vàng vàng làm bài. Tôi lần hỏi, em cho hay: “Bố mẹ em tuần này đều đi công tác. Ở nhà chỉ còn lại 2 anh em và cô giúp việc nhà nên muốn tranh thủ chơi vài hôm”. Thêm một tuần qua đi, cũng như mọi ngày, tôi vẫn đến kèm cho T. học. Mới bước vào nhà, phụ huynh T. đã chờ sẵn để gửi thù lao cho tôi kèm theo những lời trách móc: “Hôm nay, kiểm tra miệng, T. bị điểm 2 đấy thầy ạ!”. Đó là kết quả của một tuần T. chơi nhiều hơn học, mà nguyên nhân là do em không học thuộc bài cũ…

Thế rồi hợp đồng làm gia sư cho T. của tôi chấm dứt. Tôi phải tìm đến Trung tâm Gia sư Huynh Đệ (lúc trước nằm trên đường Nguyễn Chánh - Nha Trang) để đăng ký nhận làm gia sư môn Văn chương trình phổ thông trung học. Trung tâm này là nơi tìm kiếm việc làm thêm cho rất nhiều sinh viên cao đẳng sư phạm và đại học; cũng là nơi tạo điều kiện cho các phụ huynh tìm thầy cho con trong thời gian nhanh nhất. Người cần gia sư và gia sư cần người đều có thể liên lạc được sau khi đã đóng lệ phí tìm kiếm…

Sau vài ngày chờ đợi, tôi được Trung tâm giới thiệu đến địa chỉ đường Tôn Đản dạy kèm một học sinh đang rất cần nắm cấp tốc kiến thức môn Văn để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp với thù lao 600.000 đồng/tháng (tuần 3 buổi). Đây là nhà của học sinh L. đang học lớp 12 trường Bán công N.T.T (Nha Trang). Lần đầu tôi đến để làm quen và nhận học trò, nhìn ngôi nhà bề thế với cánh cổng sắt cao đồ sộ và những con béc-giê đã được huấn luyện kỹ tôi “lạnh cả xương”.

Trao đổi với tôi, phụ huynh em L. cho hay: “Đây là học kỳ cuối cấp 3. Sắp thi tốt nghiệp mà em nó chẳng biết chữ gì về văn học. Gia đình tôi đang hướng em nó thi vào đại học khối A nên chú trọng cho đi luyện thi các môn: Toán, Lý, Hóa, còn môn Văn không phải thi đại học nên không chú trọng. Bây giờ tới kỳ thi tốt nghiệp, môn Văn mà bị điểm liệt thì biết làm sao. Chúng tôi chỉ mong thầy cố gắng hướng dẫn cho em nó học đủ điểm đậu tốt nghiệp là được”.

Được mẹ L. giới thiệu, trước mặt tôi là một cậu con trai cao lớn với mái tóc cắt ngắn xịt keo dựng đứng theo mốt “ăn chơi” thời thượng. Trao đổi để nắm lại những kiến thức cần bổ sung cho L. thì hỡi ôi: chàng tú tương lai chẳng biết gì về bộ môn này. Những tác phẩm để đời và cả những đại văn hào, đại thi hào có trong chương trình học rất xa lạ trong suốt bao nhiêu năm học của L. Cứ mỗi lần được hỏi, L. đều chỉ cười và trả lời: Không biết. Hóa ra, những điều thú vị của môn văn dần dần bị học sinh đẩy lùi vào dĩ vãng đang là chuyện rất phổ biến trong trường học.

Qua những buổi học đầu, tôi đành phải giới thiệu cho em nắm kiến thức theo cách “cấp tốc” cùng với những bài làm văn cơ bản nhất. Nhưng rồi, “nước đến chân” L. vẫn không hề nao núng. Hàng ngày, ngoài thời gian luyện thi đại học, L. được gia đình đăng ký cho chơi bóng rổ, còn những bài tập về văn học mà gia sư đã đặt ra thì vẫn y nguyên…

Nỗi niềm 

Ai đã từng đi làm gia sư mới hiểu, nỗi khổ tâm luôn đè nặng trong lòng người dạy. Hầu hết các con em mà phụ huynh tìm thầy về dạy đều thuộc gia đình khá giả. Phần lớn những học trò này đều mất kiến thức căn bản trong chương trình học. Nguyên nhân chính vẫn là do các em ham chơi, lêu lổng, bố mẹ không có thời gian nhiều để quản lý việc học của con mình…

Khi tìm được gia sư thì gia đình lại phó mặc cho thầy. Con em trong các giờ học, giờ kiểm tra bị điểm kém thì gia sư là người chịu sự khiển trách của phụ huynh. Phụ huynh không biết được rằng: Gia sư làm công việc bổ sung kiến thức căn bản cho người học tại nhà; nhất cử nhất động trong việc truyền đạt kiến thức ít nhiều đều có sự giám sát của gia đình nên không thể có chuyện lơ đễnh. Vả lại, mỗi một buổi học, gia sư chỉ có thể kèm cặp theo thời gian đã định; ngoài thời gian đó, học sinh còn học nhiều môn khác.
Người làm gia sư không thể thực hiện “chính sách 3 cùng” với học sinh; thời gian còn lại, học sinh tiếp xúc với nhà trường, với xã hội và gia đình. Thế nhưng, sự sa sút của con em lại được chuyển thành trách nhiệm nặng nề của gia sư… Tuy những kiến thức mà người làm gia sư truyền đạt cho học trò cũng chính là kiến thức phổ thông được công nhận trong nhà trường nhưng người làm gia sư chỉ có trách nhiệm mà ít được tôn trọng.
Quả thật, gia sư chỉ là công việc làm thêm, công việc tạm thời cho rất nhiều người đang chập chững lập nghiệp. Dù thế nào đi nữa, các bậc phụ huynh cũng nên dành cho người làm gia sư cái nhìn thiện cảm để họ tự tin bước vào đời.
Khánh Việt
Nguồn:http://giasu.com.vn/lnk=nwsdet&id=43&grpn=Gia%20S%C6%B0%20K%C3%BD%20S%E1%BB%B1



Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét