Khi Ammon Cunningham, 22 tuổi và vợ anh là Marissa tới từ thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ quyết định tới Thượng Hải du lịch vào giữa tháng 6 vừa qua thì vấn đề chỗ ở là điều cuối cùng làm họ băn khoăn. Đôi vợ chồng trẻ này đã được sắp xếp để sống miễn phí trong một căn hộ rộng 140 mét vuông ở khu Putuo. Đổi lại, họ phải trò chuyện với chủ nhà là anh Wu Siwei cùng mẹ anh – bà Jin Yujun, bằng tiếng Anh mỗi ngày.
Việc này được sắp xếp bởi một tổ chức phi chính phủ thuộc Trung Quốc có tên là Tourboarding.
Khách du lịch sẽ được ở miễn phí ở các gia đình người Trung Quốc, đổi lại họ phải gia sư tiếng Anh cho chủ nhà.
Các vị khách được yêu cầu nói tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày để giúp người Trung Quốc có cơ hội được học tiếng Anh từ chính người bản địa mà không mất tiền.
Nếu phải đi học ở các trung tâm ngoại ngữ, số tiền mà họ phải trả là khoảng 200 – 350 nhân dân tệ mỗi giờ, thậm chí lên đến hơn 1.000 nhân dân tệ mỗi giờ.
|
Wu Siwei (phải), Ammon Cunningham và vợ anh – Marissa đang chơi bài. Cặp vợ chồng trẻ này đã ở nhà Wu 15 ngày, đổi lại họ sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày với chủ nhà. |
“Tôi nghĩ rằng việc tiếp cận gần gũi với văn hóa của người bản địa như thế này là rất tuyệt.” – Ammon nói. “Chúng tôi không chỉ muốn đi thăm quan các điểm du lịch mà còn muốn nhìn thấy cách mà người Trung Quốc sống, xem phong tục tập quán của họ như thế nào và chương trình tivi yêu thích của họ là gì.”
Mặc dù công ty của Ammon ở Mỹ có thể chi trả toàn bộ chi phí ăn ở cho anh bởi vì một trong những mục đích của chuyến đi dài 15 ngày của anh là mở rộng kinh doanh với một công ty ở Thượng Hải, song anh vẫn chọn sống trong một gia đình Thượng Hải hơn là ở những khách sạn sang trọng.
Anh đã tình cờ gặp website Tourboarding trong khi tìm kiếm thông tin về văn hóa Trung Quốc và những gì có thể làm ở đất nước này.
“Tôi đã nghĩ rằng, sẽ rất vui nếu được sống trong một gia đình người Trung Quốc, vì thế tôi đã liên lạc với mẹ của Wu.”
Wu – một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, người hào hứng nhất khi nghe tin sẽ có 2 người nước ngoài có thể nói tiếng Anh sống trong nhà mình. Cậu hiện đang chuẩn bị cho kì thi TOEFL để đi du học ở Mỹ trong tương lai.
“Không giống như cách dạy ở trường, những cuộc trò chuyện mà tôi đã nói cùng Ammon và Marissa giống như những cuộc hội thoại hàng ngày giữa những người bạn.” – Wu cho biết.
“Để có nhiều thời gian nói chuyện cùng họ, tôi đã đưa họ đi một số nơi ở Thượng Hải và đồng nghĩa với việc thời gian nói tiếng Anh của tôi là nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày.”
Ammon cho biết họ nói về nhiều chủ đề khác nhau. “Tôi cho rằng điều đó thực sự tốt khi mà ở Trung Quốc, sinh viên thường phải ghi nhớ mọi thứ.”
‘Cú sốc’ văn hóa
Marissa chia sẻ rằng sự bất ngờ lớn nhất về văn hóa Trung Quốc là việc thiếu không gian riêng tư. “Ở đây, người Trung Quốc thường ở cạnh nhau; còn ở Mỹ, mọi người đều cố gắng ở xa nhau nhất có thể.”
Tuy nhiên, cặp đôi này vẫn được dành riêng cho một phòng ngủ và phòng tắm trong nhà Wu.
Cặp vợ chồng trẻ này thường ăn sáng và ăn tối ‘ở nhà’, nói chuyện với gia đình người Trung Quốc bằng tiếng Anh, còn ban ngày hoặc là đi du lịch hoặc là làm việc.
“Thậm chí, chúng tôi còn được làm bánh bao cùng Wu và mẹ anh một lần.” Ammon đã học cách làm bánh bao lần đầu tiên từ bố anh – người đã sống ở Đài Loan một thời gian ngắn và rất giỏi trong việc nấu món ăn Trung Quốc.
“Chúng tôi rất vui vì cách đối xử của họ và đang suy nghĩ về việc sẽ chuẩn bị cho họ một bữa sáng phong cách Mỹ trước khi chúng tôi trở về.”
Thời gian mà cặp đôi người Mỹ và chủ nhà người Trung Quốc tiếp xúc với nhau nhiều nhất là sau bữa tối, hoặc là họ sẽ xem chương trình tivi yêu thích hoặc là sẽ chơi bài hay cờ tướng.
Wu cho biết mẹ anh rất thích thử những cái mới và khả năng tiếng Anh của bà khá đến mức bà có thể giao tiếp với những vị khách của mình mà không gặp bất kì khó khăn nào.
Song bà Jin có lo lắng gì về sự an toàn của gia đình khi cho 2 người khách lạ sống trong nhà không?
“Thượng Hải là thành phố của chúng tôi. Nếu có chuyện gì đó thì họ mới là những người phải lo lắng hơn chúng tôi.” – bà Jin nói. “Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới điều đó. Hai bạn trẻ này rất tử tế và thân thiện.”
Ý tưởng về ‘thành phố cho người nước ngoài’
Tourboarding là ý tưởng của vị khách ba lô Ken Chen, 38 tuổi. Chen đã nghỉ việc ở công ty Nike, Trung Quốc để cùng Nuno Zhang, 28 tuổi – một nhân viên cũ của Google cùng một vài người bạn nước ngoài của mình để thành lập ra Tourboarding vào tháng 4.
Điều tra của họ cho thấy, khoảng 130 triệu người Trung Quốc ở độ tuổi 18-40 – những gia đình mục tiêu của họ - rất hào hứng với văn hóa nước ngoài và mong muốn được học tiếng Anh. Khoảng 47% tỏ ra quan tâm tới ý tưởng của Tourboarding và 21% sẵn lòng thử nghiệm ý tưởng này.
“Trong 2 tháng trước, có hơn 10.000 người dùng đăng kí vào website của chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi được biết đến ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Việc quảng bá ra nước ngoài của chúng tôi hiện đang lan rộng từ các nước nói tiếng Anh đến châu Âu và Nhật Bản.”
Theo Chen, hầu hết các gia đình quan tâm đến chương trình này đều là các gia đình có trẻ em. “Tuy nhiên, họ cũng phải có những căn hộ đủ lớn. Thậm chí một vài nhân viên văn phòng trẻ tuổi cũng quan tâm tới Tourboarding, cho dù họ vẫn còn đi thuê nhà và không được phép đưa người lạ vào nhà.”
Được khuyến khích bởi sự quan tâm dành cho Tourboarding, Chen cũng nghĩ đến việc sẽ xây dựng một ‘thành phố dành cho người nước ngoài’.
“Tại sao chúng ta không đưa môi trường nói tiếng Anh tới Trung Quốc?” – anh tự hỏi.
“Chúng ta có thể xây dựng một thành phố mini với các du khách ba lô – những người có thể được khuyến khích sinh sống ở đây giống như ở quê hương họ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ duy nhất được nói ở đây.”
“Người Trung Quốc có thể tới thăm thành phố này và nhanh chóng nâng cao được kĩ năng nói tiếng Anh của mình.” – anh chia sẻ.
Theo vietnamnet.vn
Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định