Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

CÁCH ĐỘNG VIÊN TINH THẦN ĐỂ BÉ HỌC TỐT

Đông viên con học tôt
Ảnh: http://diendangiasu.net/attachments/tieng-anh/107d1297428479-cac-trang-web-hoc-tieng-anh-hay-day-hoc-cho-jpg

Như bao bậc cha mẹ khác, bạn lo lắng cho việc học của con cũng như chất lượng giáo dục của trường con bạn theo học. Ngoài việc cung cấp cho con sự đầy đủ về vật chất, bạn còn cần phải cho con sự khuyến khích, động viên, giúp con yên tâm học hành.

Bạn có thể tham khảo những chia sẻ dưới đây:

1. Hạn chế buộc tội bé khi bé gặp khó khăn ở trường. Bạn cần biết rằng, bé đã nỗ lực hết sức để hiểu được những gì thầy cô giáo giảng và cố gắng làm bài tập ở nhà. Bé cũng cảm thấy thật chán nản khi gặp những khó khăn, rắc rối và về nhà càng chán hơn nếu bạn suốt ngày cằn nhằn đủ thứ.

2. Luôn tạo thời gian và cơ hội lắng nghe bé nói chuyện về trường học và những điều bé quan tâm, lo lắng. Nếu bé muốn nói với bạn về một ngày của bé, bạn nên lắng nghe bao lâu cũng được. Khi hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của bé, bạn sẽ giúp bé lấy lại tự tin với bản thân của mình. Bạn cũng nên nói chuyện với con nếu bạn có rắc rối. Đừng nghĩ rằng, bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Đôi khi, cách nhìn sự việc đơn giản của bé lại hướng cho bạn cách giải quyết mới. Để bé cười, bé khóc về những áp lực ở trường, về sự thất thường của tình bạn và khả năng đối với môn học mới…

3. Không nên áp đặt cảm giác của bạn về trường lớp, thầy cô đối với cảm giác của bé. Hãy giữ cho riêng mình những cảm xúc đáng tiếc về trường học, về các thầy cô nếu bạn từng có. Bé của bạn có những trải nghiệm riêng và tốt hơn là bạn không nên chê bai ngôi trường của bé, nói thầy cô này thế nọ thế kia.

4. Giúp bé thân thiện với giáo viên và những người khác trong trường. Đây là những người quan trọng đối với bé. Họ có những thông tin về bé cho bạn, những gì bé thích làm, những gì bé không thích, những công việc, môn học mà bé gặp khó khăn. Bạn có mối quan hệ tốt đẹp với giáo viên thì ắt hẳn bé cũng có những mối quan hệ tương tự với họ.

Hướn dẫn con học tốt
5. Cố gắng tham gia các hoạt động của trường bé nếu có thể. Trường học và giáo viên cần sự giúp đỡ mà bạn có, ngoài thời gian vui vẻ cùng bé, đây là dịp mà bạn có thể gặp gỡ các phụ huynh khác.

6. Tham gia vào hội phụ huynh nếu có thể. Nếu bạn tham gia được vào hội này, nó là cơ hội để bạn hiểu thêm về trường của bé.

7. Khi bé muốn học điều gì đó, hãy dạy bé. Bé sẽ tự tin hơn khi mang những kiến thức này tới trường.

8. Bạn cũng nên hỏi bé xem, bé có thể dạy bạn những thứ mà bé cảm thấy thích thú ở trường. Dạy lại cho một người khác là cách nhớ nhanh nhất.

9. Khuyến khích các câu hỏi của bé. Khi bé 3 tuổi, bé sẽ luôn hỏi tại sao và khi bé 5 tuổi, các câu hỏi ngày càng dày lên. Nếu bạn trả lời được các câu hỏi của bé được thì rất tốt nhưng nếu không trả lời được, hãy lên web tìm hoặc đưa bé tới thư viện. Đừng hạn chế mọi tò mò của bé.

10. Giúp bé liên kết các sự vật mà bé biết. Mọi người đều học cách so sánh và tìm ra được sự tương phản với những gì mà họ biết

11. Hãy chạm hoặc giữ bé trong tay bạn khi bé đang học một thứ gì đó mới mẻ. Cách này giúp cho bé cảm thấy được mẹ yêu thương, khuyến khích vì thế mà sẽ cố gắng.

12. Lắng nghe bé một cách thích thú khi bé nói chuyện với bạn về những thứ bé đang học. Bé sẽ nhớ được những thông tin mới tốt hơn nếu bé có dịp được thể hiện những gì bé học được cho người khác xem.

Hướng dẫn trẻ học tập
13. Khuyến khích bé hoạt động khi bé đang học bài. Tất cả trẻ con đều thích hoạt động. Để bé đi lại, chạy nhảy vòng quanh, hát một bài hát mà bé được học ở trường sẽ giúp tâm lí bé thoải mái hơn.

14. Lưu ý bé về những lỗi bé có thể gặp phải khi làm bài nhưng đừng làm nếu như bé không hỏi bạn. Bé có thể muốn bạn bảo cho bé biết cách để làm sao làm bài tập toán hoặc làm thế nào để xếp hình đúng khi bé thích. Còn nếu bé không có ý nhờ vả, bạn cũng không nên tham dự vào.

15. Cổ vũ sự tự tin của bé trong tất cả các môn mà bé học. Khi bé mới bắt đầu vào lớp mầm non, bé được học ngôn ngữ, đi đứng thế nào, tự xúc ăn, thậm chí bé có thể chơi cờ hoặc tham gia các hoạt động nhóm tốt hơn cả chính bạn nữa. Đừng tiết kiệm lời khen đối với những điều dường như nhỏ nhặt ấy.

16. Hỏi để kích thích sự khám phá của bé. Bé có thể không nhớ nhưng mà đến một lúc nào đó khi cần, các kiến thức đó tự nó sẽ bật ra. Trước khi cho bé tới trường, bạn cần trang bị cho bé các kiến thức cần thiết để bé tự tin, giúp bé linh hoạt hơn.

17. Thực hành chính là con đường giúp bé nhớ lâu. Nếu bé muốn trộn những thứ trong tủ lạnh lại với nhau và chờ xem điều gì sắp xảy ra, bạn đừng la mắng bé. Bé đang tìm hiểu thế giới thông qua cách làm của chính mình.

18. Gợi ý cách làm cho bé bằng cách đưa ra những thông tin, thuyết minh nhưng đừng áp đặt điều đó cho bé. Bé sẽ giỏi hơn khi bé tự mình cố gắng và chỉ yêu cầu sự giúp đỡ khi bé không thể.

19. Động viên trẻ kết bạn với các bạn trong lớp đặc biệt là đối với các bạn thông minh. Các bạn có thể dạy lại bé và cả hai trao đổi với nhau về bài học. Nếu giáo viên cho phép cặp đôi để trao đổi trong lớp học thì điều này thật tuyệt vời. Nếu không thì có thể trao đổi trong giờ ra chơi.

20. Nhớ rằng, bé luôn luôn làm hết sức những gì bé có thể làm. Bé muốn học, bé muốn làm thật tốt và muốn làm hài lòng giáo viên, hơn hết là muốn làm cho cha mẹ vui. Trường học không phải là môi trường dễ dàng đối với bé. Chính vì thế mà bạn hãy tôn trọng những nỗ lực của bé.

Hướng dẫn trẻ học tập
21. Hi vọng về trí thông minh và luôn chia sẻ với con về điều đó. Một cách đơn giản là hỏi ý kiến của con về một vấn đề bạn đang cần phải giải quyết, bé sẽ cảm thấy mình quan trọng trong gia đình, trong cuộc sống và hơn hết là quan trọng đối với chính bản thân mình. Khen ngợi bé thông minh mỗi khi bé đưa ra ý kiến hợp lí. Điều này khiến bé tự tin hơn.

22. Hiểu rằng những lỗi lầm là một phần quan trọng của quá trình học tập. Không ai hoàn thiện tới mức không bao giờ làm sai trong cuộc đời của họ. Cho nên, khi bé làm sai, hãy hướng dẫn bé làm lại cho đúng và đừng nên quát mắng, chì chiết bé.

23. Thời gian chơi là một phần quan trọng trong việc học của bé. Đừng bắt bé suốt ngày lu bù với đống bài tập. Bé có thể giải quyết được rắc rối, sắp xếp tổ chức các suy nghĩ của mình thông qua trò chơi hoặc những gì mà bé nhìn thấy.



Việc hình thành ý thức học tập,sau mê học tập sẽ giúp trẻ tạo thói quên học tập nghiên cứu sách vở sau này....Một vài kinh nghiệm nhỏ hi vong sẻ giúp được các ông bố bà mẹ.....

Theo eva.vn





Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét