Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

LONG ĐONG NGHỀ GIA SƯ!


Ngày nay, xu hướng thuê gia sư về dạy dỗ, kèm cặp con cái tại gia đang trở nên khá phổ biến trong các gia đình có kinh tế khá giả. Tham gia đội ngũ gia sư chủ yếu là những sinh viên, thậm chí người đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm, muốn kiếm thêm tiền để chi phí cho việc học hành và sinh hoạt hàng ngày. Song, để có một chỗ dạy tốt, những người làm gia sư cũng có những nỗi vất vả riêng của mình.
Nghề tạm đủ sống
Vũ Văn Nhất- 22 tuổi, sinh viên Đại học Xây dựng- là người có thâm niên trong nghề gia sư cho biết: "Em dạy môn Toán. Làm gia sư không vất vả lắm mà chủ động được thời gian. Trung bình mỗi tháng em thu nhập từ 800 nghìn đến 1 triệu, tuy không cao nhưng cũng đỡ cho bố mẹ một phần tiền học phí và sinh hoạt".
Tiền thù lao gia sư thường được tính theo buổi, từ 50.000- 100.000 đồng/buổi, tùy bậc học sẽ có mức tiền khác nhau. Nếu là dạy bậc tiểu học và lớp 6- 7, mức thù lao 50.000- 60.000 đồng/buổi; lớp 8- 9 và bậc THPT hưởng mức 70.000- 80.000 đồng/buổi; ôn thi tốt nghiệp THPT, đại học có mức 80.000- 100.000 đồng/buổi... Nếu dạy 3 buổi/tuần thì 1 tháng trung bình mỗi gia sư có thể nhận được 600.000- 1 triệu đồng. Với số tiền đó họ có thể tự lo cho mình tiền thuê trọ, tiền mua sách vở và các khoản chi tiêu lặt vặt khác...
Em Đoàn Quang Hiệu- sinh viên năm cuối ĐHQG Hà Nội- tâm sự: "Bố mẹ em làm nông nghiệp nên mỗi lần em xin tiền học, gia đình phải bán lúa, ngô nhưng cũng chẳng được nhiều, mà chi phí cho việc học hành, sinh hoạt ở thành phố lại quá lớn. Em quyết định đi dạy thêm và bây giờ không phải xin tiền bố mẹ hàng tháng nữa. Em còn dành dụm được một số tiền nho nhỏ để mua xe máy chuẩn bị ra trường đi làm".
Cùng với những gia sư còn ngồi trên giảng đường đại học, có nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn làm gia sư. Lê Thị Tố Nga, cựu sinh viên Học viện Hành chính, tốt nghiệp loại giỏi nhưng gần một năm trời vẫn chưa xin được việc, cuối cùng cô đã chọn cho mình một công việc phù hợp với hoàn cảnh trước mắt- làm gia sư. Mỗi tháng Nga có khoản thu nhập hơn 2 triệu đồng từ dạy thêm, tuy không lớn khi sống ở Hà Nội nhưng cũng đã giải quyết được một phần chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Những thua thiệt- ai thấu?
Hiện nay, ở Hà Nội và một số thành phố lớn, số lượng trung tâm gia sư mọc lên ngày càng nhiều với đủ các loại tên khác nhau: "Câu lạc bộ khuyến học", "Trung tâm tư vấn việc làm", "Trung tâm gia sư sư phạm"... Dọc đường phố Hà Nội, tờ rơi, biển quảng cáo, đôi khi chỉ là một số điện thoại với một cái tên ngắn gọn "gia sư" xuất hiện nhiều vô kể, hầu như chỗ nào cũng bắt gặp. Nếu ai có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại, trung tâm gia sư sẽ kết nối người có nhu cầu thuê gia sư và gia sư với nhau và nhận một phần tháng lương đầu tiên của mỗi gia sư (thường là 30- 40%).
Vũ Văn Nhất là người có nhiều năm làm gia sư nhưng vẫn ngậm ngùi: "Khi em được trung tâm giới thiệu địa chỉ dạy, tiền phần trăm bắt buộc phải nộp trước nhưng khi đi dạy chưa được 1 tháng thì nhà người ta không thuê nữa. Lấy được 800 nghìn đồng nhưng đã phải nộp cho trung tâm mất 332 nghìn đồng".
Tố Nga khi mới đi dạy cũng gặp phải trục trặc: "Trung tâm giới thiệu, một tuần em sẽ có 3 buổi dạy, 80 nghìn đồng/buổi, tức là 960 nghìn đồng/tháng, em phải nộp 40%, tương đương với 384 nghìn đồng. Nhưng chỉ sau tuần đi dạy đầu tiên, gia đình chỉ muốn con họ học 2 buổi/tuần. Đến trung tâm để hỏi thì họ bảo rằng chỉ giải quyết mọi thắc mắc trong hai buổi dạy đầu tiên".
Không phải gia sư nào cũng có một chỗ dạy ổn định ngay từ buổi đầu vì nhiều lý do khác nhau, nhưng người bị thua thiệt cuối cùng cũng chính là gia sư.
Cũng có nhiều bạn khi đã có một chỗ dạy rồi nhưng lại gặp nhiều khó khăn từ phía học sinh và gia đình. Đa phần các gia đình thuê gia sư khi thấy con cái mình học kém quá. Nguyễn Thị Hoa, cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội, cho biết về cậu học sinh lớp 4 của mình: "Em dạy cậu học trò này đã được hơn 1 năm rồi. Ban đầu cậu ta học rất kém, lớp 3 mà đọc, viết chưa thành thạo, em phải dạy lại gần như từ đầu". Tố Nga có lúc dở khóc dở cười với cậu học sinh lớp 6 của mình khi cậu bé chỉ còn vài ngày nữa là hết năm học: "Dạy lại thì không đủ thời gian, ôn lại thì cậu bé có nhớ, có biết gì đâu mà ôn. Đã thế gia đình họ còn yêu cầu gia sư phải bảo đảm cho cháu được lên lớp. Đành chào thua!"...
Gia sư có những khó khăn, thuận lợi riêng, nhưng nhìn chung họ đều có chung nỗi vất vả khi mang kiến thức của mình đi truyền đạt cho người khác. Có thể không mệt mỏi như những công việc lao đông nặng nhọc khác nhưng lại đòi hỏi người gia sư phải có khả năng truyền đạt, có tính kiên trì, nhẫn nại và đủ năng lực, kiến thức, đạo đức để dạy dỗ những học sinh "tại gia" không phải ai cũng ngoan, học giỏi.    


Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét