Ảnh: http://asemvietnam.vn/userfiles/image/thuong_mai_1.jpg
Vào lúc 3 giờ chiều của một ngày bình thường ở thị trấn Tampin phía Nam thủ đô Kuala Lumpur, Hafsiah, 9 tuổi và anh của cô bé Badrul, 12 tuổi, hối hả bước lên những bậc thang của một ngôi nhà 3 tầng để vào một lớp học tiếng Anh đầy nghẹt học sinh.
Như nhiều học sinh khác, Hafsiah và Badrul quá háo hức đến mức không về nhà để ăn cơm trưa mà sẵn sàng ở luôn tại Tampin dù bụng đói cồn cào để không lỡ buổi học tiếng Anh quý giá. Đây là cảnh tượng đã trở thành bình thường ở nông thôn Malaysia hiện nay.
Tiếng Anh, một thời bị chối bỏ vì là “ngôn ngữ của thực dân”, hiện được coi là “hộ chiếu” để thành công trong thế giới hiện đại và đang cạnh tranh với môn học về đạo Hồi và các môn khoa học. “Bố mẹ tôi nói tiếng Anh là chìa khóa vào tương lai và chúng tôi phải thông thạo tiếng này” - Hafsiah nói. “Nhưng nó cứ lạ miệng làm sao ấy!”. Rõ ràng, những khó khăn mà người Malay gặp phải khi cạnh tranh trong một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh chóng là do thế hệ già hơn của Malaysia không thành thạo tiếng Anh và thậm chí là quay lưng lại với ngôn ngữ này vào những năm 1970.
Người Malay chiếm 50% dân số 23 triệu người Malaysia, trong khi người gốc Hoa có ảnh hưởng lớn về kinh tế chiếm 22% dân số, tập trung ở các thành thị - nơi tiếng Anh “sống sót” tốt hơn. Người gốc Ấn, chiếm 7% dân số, cũng sống chủ yếu ở thành thị. Cơn sốt tiếng Anh ở nông thôn Malaysia giờ đây chỉ đứng thứ 2 sau sự cuồng nhiệt với bóng đá Anh và cuộc thi “Malaysia idol”.
Những dấu hiệu cho cơn sốt tiếng Anh có thể thấy ở khắp nơi. Các nhà sách đầy ắp sách văn phạm tiếng Anh, trong đó có những cuốn in lại từ những năm 1960. Các trung tâm gia sư tiếng Anh đang mọc lên như nấm trong các trung tâm mua sắm, các trường học, các gia đình và bất kỳ nơi nào có sẵn mặt bằng. Báo chí Malaysia đang cổ động tiếng Anh bằng cách cấp báo miễn phí cho các trường học và các doanh nghiệp đóng góp hàng triệu USD bảo trợ các trường học, sẵn sàng chi tiền để các học sinh được đào tạo tiếng Anh.
“Chúng ta không nên ngại ngùng khi nói rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ của Malaysia” - Bộ trưởng Giáo dục Hishammuddin Hussein phát biểu khi công bố một chương trình học bổng cung cấp các tài liệu về tiếng Anh cho 290 trường học ở nông thôn và các trường bán đô thị. “Chuẩn mực nói và viết tiếng Anh đã tụt giảm kể từ 30 năm qua” - Ramasamy Palanisamy, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Kebangsaan, phát biểu - “Sau những cuộc nổi loạn sắc tộc vào năm 1969 (giữa người Malay và người Malaysia gốc Hoa), Malaysia chuyển qua hệ thống giáo dục sử dụng tiếng Malay vào năm 1971. Kể từ đó, tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 mất đi ưu thế”.
Tình hình giờ đây đã đổi khác, việc dạy và học tiếng Anh hiện đang được giới chức trách Malaysia cổ xúy mạnh mẽ và được hưởng ứng tốt. Mọi sự bắt đầu vào năm 2002, khi một số nhà đầu tư Nhật nói với Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp Malaysia quá kém tiếng Anh nên họ không thể có việc làm. “Bạn đừng nên kỳ vọng là chúng tôi học tiếng Malay để giao tiếp với các công nhân” - một nhà quản lý Nhật tại Malaysia cho biết.
Đó là tình hình chung ở châu Á, nơi các thuộc địa của Anh trước đây như Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Thủ tướng Mahathir khi đương chức đã nhận ra rằng nếu sự yếu kém trong giao tiếp tiếng Anh của người Malaysia không chấm dứt, vị thế của Malaysia là một nền kinh tế thương mại mạnh mẽ sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, là một nhà kỹ trị, ông quyết định một kế hoạch nhanh chóng đưa tiếng Anh đến với các học sinh nông thôn. Ông cũng buộc tất cả các trường học ở Malaysia từ năm 2003 phải dạy các môn khoa học và toán bằng tiếng Anh. Nhưng do thiếu chuẩn bị, biện pháp này hiện chưa thành công lắm.
http://maivang.nld.com.vn/126654p0c1006/con-sot-tieng-anh-tro-lai-malaysia.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét