Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

VUI BUỒN NGHỀ GIA SƯ


Ảnh: http://www.dyslexiatutoring.org/wp-content/uploads/2009/07/iStock_000003453922XSmall.jpg

Có lắm chuyện dở khóc, dở cười trong nghề gia sư mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Phần đông những gia sư hiện nay là giáo viên các trường tiểu học, trung học hay sinh viên (SV). Họ đi dạy chủ yếu để có thêm thu nhập, một phần cũng muốn có thêm kinh nghiệm trong việc đứng lớp, nhất là đối với những SV khối ngành sư phạm. Do tính chất công việc không quá nặng nhọc nên nghề gia sư khá phù hợp với các bạn nữ. Số lượng nữ gia sư luôn chiếm tỷ lệ áp đảo so với nam giới trong thị trường lao động dạy kèm hiện nay.
Bạn Hương, SV năm 2 trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết lý do chọn nghề gia sư: "Mình đi dạy kèm vì thấy thời gian rất phù hợp, lại có thêm thu nhập phụ giúp cho việc học. Điều quan trọng là nó không chiếm hết thời gian học của mình". Còn Phương, SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì nói: "Tớ chọn nghề dạy kèm trước tiên là ở sự linh hoạt giờ giấc của nó, không phụ thuộc ai. Mặt khác nó giúp tớ tiếp cận và nắm bắt tâm lý của trẻ dễ hơn vì đó là chuyên ngành tớ đang học". Xuyên, SV năm 3 khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đến với nghề gia sư bởi: "Trước hết nó mang lại cho mình kinh nghiệm giảng dạy, trải nghiệm thực tế và điều quan trọng hơn là có nguồn thu nhập đáng kể trước áp lực cuộc sống nơi thị thành mà lại ít ảnh hưởng tới việc học...".  Với chị Nhi - một giáo viên tiểu học - thì động lực để chị đến với nghề là: "Vì thu nhập. Thứ nữa, giúp các em học tập tốt, đạt kết quả cao đó là điều người giáo viên nào cũng hướng tới... Tôi  dạy học vì đó là niềm đam mê của tôi".
Bên cạnh những niềm vui, cũng có những chuyện "éo le" của nghề gia sư. Nhắc đến hai chữ dạy kèm là Phượng, SV khoa Đông phương học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM... xanh mặt. Phượng kể: "Qua sự giới thiệu của một người bạn cùng quê, mình nhận dạy kèm tiếng Việt cho một người Hàn Quốc. Dạy được hơn tháng anh ta bắt đầu có những hành động không đứng đắn, rồi hôm đó anh ta muốn... Thật đáng sợ!". Không đến nỗi nghiêm trọng như trường hợp của Phượng nhưng Thủy, SV năm 3 khoa Ngữ văn trường ĐH Văn Hiến, lại "bỏ chạy" vì không thể chịu nổi cậu học trò quậy kinh khủng: "Cu cậu mới học lớp 9 thôi mà quậy hết chịu nổi, ngày nào mình đến nó cũng tìm mọi cách phá mình. Từ mềm dẻo đến dọa nạt đều không có kết quả. Có hôm chẳng biết cu cậu nhậu ở đâu mặt đỏ ké, ngồi học chỉ toàn nhìn mình, rồi đột nhiên ôm chầm lấy mình nói: Em yêu cô làm mình muốn té xỉu. Hôm sau mình xin nghỉ luôn".
Chuyện của Phong, SV trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cười ra nước mắt. Cậu nhận dạy kèm môn Anh cho con của một ca sĩ góa vợ ở Q.3. Được một thời gian, Phong nhận thấy sự quan tâm của người cha dành cho mình có gì đó hơi bất thường. Sau khi nghỉ việc, Phong mới thổ lộ: "Ông ta là một người đồng tính, vậy mà mãi sau này mình mới biết, hèn gì ổng cứ rủ mình nhậu hoài...".
Mới đây người viết còn nghe được câu chuyện truyền tai giữa các bạn SV về việc cô SV tên Nh. của trường ĐH Mở TP.HCM sau một thời gian dạy kèm cho đứa con 8 tuổi của một gia đình nọ đã phải lòng trước những lời tán tỉnh của người cha đứa trẻ, để rồi khi người vợ phát giác, bão tố đã bùng nổ với thiệt thòi thuộc về cô gia sư trẻ tuổi...

Cuộc Sống Việt _ Theo Thanh niên Online



Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét