Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

SINH VIÊN VIỆT Ở MÁTXCƠVA, TRĂM LẺ MỘT KIỂU LÀM THÊM


Sinh viên Việt Nam và các nước đi thăm Quảng trường Đỏ
Sinh viên Việt Nam và các nước đi thăm Quảng trường Đỏ
Một hình thức kiếm tiền là xin việc ở các công ty của người Việt Nam tại Mátxcơva. Thông thường, nếu sinh viên đi làm thêm những việc như phiên dịch cho các công ty may, xây dựng… thì được khoảng 700 đô-la Mỹ một tháng.
Ở nước Nga hiện nay, có hai dạng sinh viên Việt Nam du học. Dạng thứ nhất, là các sinh viên đi học bằng học bổng theo Hiệp định giữa hai chính phủ, được gọi là lưu học sinh diện “322”. Còn dạng thứ hai, là các lưu học sinh đi học tự túc.
Đặc điểm chung nhất của cả hai dạng, nhất là những sinh viên được nhận học bổng, là học rất giỏi, đồng thời rất chịu khó.
Những gia sư chất lượng cao
Vì gia đình ở nhà không phải ai cũng có điều kiện chu cấp thêm, nên ngoài học bổng các bạn sinh viên thường phải kiếm việc làm thêm. Hình thức làm thêm phổ biến nhất là đi làm gia sư.
Con em trong cộng đồng người Việt Nam ở Nga thường được cha mẹ, những người bận đầu tắt mặt tối suốt ngày để kiếm tiền ngoài chợ, ngoài công ty… mướn gia sư về kèm thêm.
Họ thường thông qua một số trung tâm hoặc cá nhân làm dịch vụ tìm gia sư (có quảng cáo trên các báo của cộng đồng người Việt Nam tại Mátxcơva). Gia sư cho các em phù hợp nhất là các sinh viên Việt Nam.
Mời được các sinh viên thì có mấy cái lợi. Thứ nhất, các em nhỏ sẽ được nghe tiếng Việt của các anh chị nhiều hơn, đỡ quên tiếng mẹ đẻ. Thứ hai, các anh chị học rất giỏi, nên cũng có thể truyền đạt lại được cho các em kiến thức phổ thông nhất là những môn như toán, lý, hóa, sinh… rất tốt. Thứ ba, là về thù lao thường các bạn sinh viên cũng nhận rất khiêm tốn, phù hợp với thu nhập của gia đình Việt Nam tại Nga.
Hầu hết những hợp đồng gia sư đều khá thành công, vì các sinh viên Việt Nam ở Mátxcơva đã xác định đi dạy gia sư là rất tư cách và có trách nhiệm. Thậm chí, có bạn gái tên M. còn được gia đình chị chủ mời ở lại, nuôi cơm ăn mấy tháng hè để dạy cô con gái nhỏ của họ.
Đến nay M. đã đi làm cho công ty của người Việt tại Mátxcơva, nhưng quan hệ của cô với gia đình chị chủ nhà vẫn rất tốt đẹp. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trước đây mướn gia sư cho cô con gái nhỏ của mình cũng có những ấn tượng rất tốt đẹp với V., bạn sinh viên Học viện Hàng không Mátxcơva đến kèm thêm cho cô bé.
Làm công ty có khi quên học
Một hình thức kiếm tiền không phải ai cũng có thể thực hiện được là xin việc ở các công ty của người Việt Nam tại Mátxcơva. Thông thường, nếu sinh viên đi làm thêm những việc như phiên dịch cho các công ty may, xây dựng… (có công nhân người Việt không biết tiếng Nga) thì được khoảng 700 đô-la Mỹ một tháng, và phải có hai bạn đi làm thay phiên, một làm sáng, một làm chiều để còn đi học.
Có chuyện bi hài về một bạn học khoa Tin học ĐHTH Mátxcơva đi làm tại một công ty xuất nhập khẩu thay cho một anh về Việt Nam cưới vợ. Người được làm thay thì về Việt Nam vui quá quên không sang, còn người làm thay thì kiếm được tiền ham quá “quên” không đi học, và thế là bị nhà trường đuổi học.
Bạn đã phải về Việt Nam, thi lại đại học và có lẽ đã tốt nghiệp rồi. Âu cũng là một bài học cho sinh viên muốn kiếm việc làm thêm. Ngoài ra, các công ty Việt Nam tại Mátxcơva phần nhiều có quan hệ với Trung Quốc để “đánh” hàng từ Trung Quốc sang, do đó các bạn sinh viên đi làm cho các công ty này nhiều khi phải học thêm tiếng Trung để có thêm lợi thế trong công việc.
Vốn là những thanh niên năng động lại thạo tiếng nên các sinh viên ta cũng chịu khó nghĩ ra những hình thức kinh doanh mới lạ. Hai chàng sinh viên cùng tên V. của Học viện Hàng không Mátxcơva tìm được mối lấy tận gốc điện thoại di động, chất lượng tốt và là hàng chính gốc từ châu Âu, giá rẻ hơn ở cửa hàng tại Mátxcơva rất nhiều, nên đăng báo của cộng đồng người Việt, phân phối điện thoại cho cộng đồng.
Thế là cứ cuối tuần hai bạn trẻ lại đi lấy máy để giao cho các đơn đặt hàng trong tuần. Tùy từng máy, mà họ có thể có lãi từ vài trăm lên đến vài nghìn rúp (hiện nay một 100 đô-la Mỹ đổi được non 2.400 rúp). Công việc buôn bán có lãi. Những dịp như cuối năm, người Việt ta về nước nhiều, cần mua điện thoại di động làm quà, là dịp hai anh chàng “vắt chân lên cổ” để đi lấy và giao hàng.
Giặt là, cơm hộp, bán bia
Thú vị nhất là những cố gắng xoay xở kiếm tiền của sinh viên trong ký túc xá. Anh chàng H. (khoa Sinh, ĐHTH Mátxcơva ) tìm được mối mua bia rẻ đã “đánh” hàng ô tô bia lon, bia chai về chất trong phòng để bán cho sinh viên trong ký túc xá.
Giá của anh chàng cạnh tranh hơn hẳn so với các cửa hàng ở trong ký túc xá, nên chẳng được bao lâu việc kinh doanh của anh chàng vấp phải sự ngăn cản của một thế lực nào đó, thông qua bộ phận quản lý bia rượu của trường đại học.
Còn chàng sinh viên B., một thanh niên năng động, thông minh và tháo vát thì mua về ba chiếc máy giặt làm dịch vụ. Ở ký túc xá ĐHTH Mátxcơva có dịch vụ giặt của một đơn vị nào đó được trường cho phép, nhưng đắt (60 rúp, tương đương khoảng 49 nghìn đồng Việt Nam một lần giặt) và không được sạch lắm.
B. lấy rẻ hơn và giặt sạch hơn. Công việc kinh doanh cũng đang thuận lợi thì bị cấm, vì cạnh tranh “nhiệt tình” quá với dịch vụ đang tồn tại trong trường. Hiện nay ba chiếc máy giặt vẫn đang được B. giữ lại làm kỷ niệm.
Có một nhóm bạn sinh viên khác thì có ý tưởng “làm cơm” – nghĩa là bán cơm hộp. Họ thổi cơm, đặt mua thức ăn ở một nhà bếp nào đó và quảng cáo, bán theo đặt hàng qua điện thoại.
Không hiểu sao dịch vụ này của các bạn trong ký túc xá ĐHTH Mátxcơva không tồn tại được lâu lắm, dù dịch vụ của sinh viên Trung Quốc thì đã có từ lâu lắm và đến nay vẫn hoạt động tốt. Có lẽ vì số lượng sinh viên Trung Quốc tại trường này rất đông, và khá lười nấu nướng nên dịch vụ của Trung Quốc phát triển tốt.
Làm “phó nháy” và thợ cạo
Có một cô sinh viên khoa đạo diễn trường Điện ảnh Mátxcơva cùng bạn bè mở ở gần metro Partizanxkaia một Studio ảnh. Họ cũng sắm máy móc, trang phục, “đạo cụ”… Việc kinh doanh cũng đủ lãi chút đỉnh và quan trọng là họ có được một công việc làm, và hơn nữa là có chỗ tụ tập. Khi cô bé về nước, cửa hàng được thanh lý, các bạn nam được mỗi người một bộ comlê, trước đây là “đạo cụ” của cửa hàng.
Một số bạn sinh viên có thêm “nghề” tay trái là cắt tóc, thì “mở hiệu” cắt cho anh em trong ký túc xá, tuy không được tiền nhưng góp phần tiết kiệm chi tiêu cho túi tiền vốn đã eo hẹp của các bạn nam đồng học.
Ngoài những bạn trẻ được kể trên đây, thì cũng có rất nhiều bạn sinh viên học hành kiểu “trung bình chủ nghĩa”, tức là học để qua điểm 3. Họ cũng vướng đầy đủ các tệ nạn, như uống rượu, thức đêm chơi trò chơi điện tử… trong khi vẫn xin tiền bố mẹ ở nhà – xin được đề cập vào một dịp khác, trong một bài khác.


Nguồn:
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=44279




Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét