Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

“SỐC” VÌ DANH VỌNG, TIỀN BẠC CỦA “GIA SƯ MẠNG” HÀN QUỐC


(Dân trí) - Là một giáo viên chưa bao giờ phải “nhìn mặt” học sinh, nhưng Woo Hyeong-cheol lại rất nổi tiếng và giàu có trong trong xã hội “cuồng học” ở Hàn Quốc. Chính xác là Woo bỏ túi 4 triệu USD một năm.
Cô Rose Lee kiếm 7 triệu USD một năm nhờ dạy tiếng Anh.
Woo không là thành viên của bất kỳ trường học, tổ chức nào trong hệ thống giáo dục chính thống của Hàn Quốc, nhưng người hướng dẫn toán học 46 tuổi này được xem như là một trong những gia sư ôn luyện giỏi nhất ở đất nước “cuồng học” Hàn Quốc. Các lớp học trên mạng của "thầy giáo" này nổi tiếng trong giới “teen” đang “miệt mài kinh sử” cho các kỳ thi và được sánh ngang với những bộ phim truyền hình ăn khách hàng đầu.

“Giáo viên trường học quan tâm đến việc tạo ra những con người đạo đức. Chúng tôi lại tập trung hơn vào việc làm cho các em có điểm số, xếp hạng tốt nhất chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là lý do vì sao chúng tôi được cần đến và được nổi tiểng”, "thầy" Woo cho biết. "Thầy" cũng đang yêu cầu một mức lương cao hơn cho hầu hết các cầu thủ bóng chày trong liên đoàn bóng chày của nước này.

Thu nhập “khổng lồ” của những người như "thầy" Woo xuất phát từ các lớp học trên mạng, rất dễ truy cập ở đất nước vốn được coi là có mạng internet phủ rộng nhất thế giới này. Cụ thể, hơn 90% các hộ gia đình Hàn Quốc có thể truy cập internet tốc độ cao.

Còn học sinh ở tuổi “teen” tại Hàn Quốc thường tham gia các lớp học ít nhất là 10-12 tiếng mỗi ngày, để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Kỳ thi này quyết định xem liệu họ có vào được trường đại học hàng đầu hay không, rồi sau đó là có đưa họ tới được con đường sự nghiệp tốt hay không và thậm chí còn kéo theo cả việc họ có “kiếm” được “con cá sộp” khi đến tuổi lấy vợ gả chồng hay không.

Năm ngoái, khoảng 3/4 học sinh tham gia vào các lớp học thêm tư sau các giờ học chính khóa ở trường. Theo Văn phòng thống kê quốc gia Hàn Quốc, số tiền chi tiêu cho các “lò luyện” và gia sư lên đến 20,9 nghìn tỷ won, tương đương 16,33 triệu USD.

"Thầy" Woo còn có biệt danh là “cái xẻng” vì thầy dọa sẽ phạt những “teen” nào ngỗ ngược. Thầy đưa các bài giảng của mình lên mạng và khoảng 50.000 người đã trả tiền để vào xem.

"Thầy" Woo biết kết hợp những câu chuyện thẳng thắn, hài hước, xen lẫn dọa nạt và quan trọng nhất là hướng dẫn các em làm cách nào tìm được câu trả lời đúng với phần thi toán hóc búa trong kỳ thi vào đại học.

“Cháu nghĩ cháu có thể tin cậy vào thầy cho đến ngày trọng đại đó”, một học sinh của "thầy" Woo cho biết trong một dòng post nặc danh trên mạng.

Những giáo viên có “thương hiệu”
 
"Nữ hoàng tiếng Anh" Lee offline tại một "lò luyện" ở Seoul, tháng 6/2009.
Các lớp học trên mạng, rẻ hơn rất nhiều các “lò luyện”, đã trở thành một phần cơ bản trong chi tiêu cho giáo dục của các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc, ngoài việc chi tiền thuê gia sư riêng và cho các “lò luyện”.

Các nhà phê bình cho rằng hệ thống dạy học qua mạng hiện nay chỉ lái các em học sinh theo hướng qua được các kỳ thi vào đại học, khiến các em có ít kỹ năng phân tích. Ví dụ, đối với môn thi tiếng Anh, học sinh thường trả lời các câu hỏi viết về ngữ pháp tốt hơn là nói.

Hệ thống giáo dục đầy áp lực ở Hàn Quốc cũng là một nhân tố bị đổ lỗi cho tình trạng Hàn Quốc có tỉ lệ sinh thấp nhất trong các nước phát triển. Nó dẫn tới tình trạng, một số ông bố, thường là trụ cột của gia đình, sống eo hẹp ở Hàn Quốc để còng lưng trả chi phí gửi con cái (kèm theo cả mẹ chúng) ra nước ngoài để học tập.

“Những lớp học vào đêm khuya này… có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác nhau, như thiếu ngủ, dẫn đến hiệu suất học tập giảm và cũng gây ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần”, Woo Ok-yeong, thuộc Diễn đàn sức khỏe giáo dục, một nhóm ủng hộ trẻ em, cho hay.

Trong bộ váy ngắn, bốt và một chiếc áo hợp thời trang, Rose Lee trông rất giống với một sinh viên đại học. Nhưng thực chất, cô lại là một trong những giáo viên tiếng Anh được trả lương cao nhất đất nước.

Tự gọi mình là “Nữ hoàng tiếng Anh”, nhưng Lee lại yêu cầu được phỏng vấn bằng tiếng Hàn. Lee ước tính kiếm được hơn 7 triệu USD một năm, và hầu hết là nhờ các lớp học trên mạng. Cô cũng làm việc offline, trong các “lò luyện”.

“Vì ở đất nước tôi thiếu thốn tài nguyên, nên cha mẹ luôn cảm thấy rằng giáo dục là cách tốt nhất họ có thể làm cho con cái họ”, cô Lee cho biết qua một người phiên dịch.

Tuy nhiên, cô Lee lại không có nhiều thời gian để tận hưởng tiền bạc của mình. Cô cũng biết rằng tài sản của mình có thể dễ dàng thay đổi trong một thế giới mà cô phải phụ thuộc vào sự chấp nhận của những cô cậu tuổi “teen” sớm nắng chiều mưa.

Phan Anh
Theo Reuters







Điện thoại: 056.6296.885 hoặc 0989.28.76.75
Địa chỉ: Quy Nhơn – Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét